Skip Navigation LinksChiTiet

Về Nghiên cứu khoa học và ứng dụng thành quả nghiên cứu

Xem với cỡ chữAA

TRƯỜNG HỢP HIẾM GẶP, HỘI CHỨNG CHILAIDITI PHÁT HIỆN TRÊN XQUANG

(13/09/2023 2:11:00 CH)

Nhân một trường hợp bệnh nhân nam 50 tuổi đến khám tại Trung tâm Y tế thành phố Phú Quốc ngày 06/09/2023 với lý do khó thở, tình cờ phát hiện hội chứng Chilaiditi trên Xquang ngực – một hội chứng hiếm gặp của đường tiêu hoá. Đây được coi là một nguyên nhân gây ra tắc đại tràng, ruột non và hoại tử ruột. Vì khá hiếm gặp nên bệnh rất dễ bị bỏ sót, dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý khác như thủng tạng rỗng, áp xe gan, …, dẫn đến một số trường hợp bệnh nhân phải chịu một cuộc mổ không cần thiết. Chúng tôi xin trình bày đặc điểm về dịch tễ, nguyên nhân, một số yếu tố nguy cơ, triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng, biến chứng và chẩn đoán phân biệt của bệnh

Hình 1. Đại tràng ngang nằm kẹt giữa cơ hoành và gan

Nguồn ảnh: drtranson

  1. Khái niệm dấu hiệu Chilaiditi và hội chứng Chilaiditi

Hơn một thế kỷ trườc, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh Demetrius Chilaiditi người Hy Lạp đã báo cáo một loạt trường hợp gồm 3 bệnh nhân tình cờ phát hiện trên Xquang về sự xen kẽ của đại tràng giữa gan và cơ hoành, từ đó được gọi là dấu hiệu Chilaiditi.

Dấu hiệu này nếu kèm theo các triệu chứng đường tiêu hoá như đau bụng, chán ăn, buồn nôn, nôn, táo bón, …, được gọi là hội chứng Chilaiditi. Khi mức độ xen kẽ của đậi tràng tănng lên, bệnh nhân có thể biểu hiện khó thở, thậm chí suy hô hấp. Các triệu chứng thường nặng hơn vào ban đêm, khi bệnh nhân nằm ngửa.

  1. Dịch tễ

Dấu hiệu Chilaiditi phát hiện tình cờ trên Xquang bụng hoặc Xquang ngực, với tỷ lệ mắc 0,025% đến 0,28% trên toàn thế giới và tỷ lệ nam/nữ là 4:1. Bệnh thường xảy ra nhất ở người cao tuổi, bệnh nhân có bệnh lý tâm thần, có các yếu tố nguy cơ

  1. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Các nguyên nhân ở gan, cơ hoành, đại tràng góp phần vào cơ chế bệnh sinh của dấu hiệu và hội chứng Chilaiditi. Ở người bình thường, các dây chằng treo gan, gan, mạc treo đại tràng ngang tạo nên không gian quanh gan, ngăn đại tràng xen vào giữa gan và cơ hoành. Khi không gian này rộng ra, bệnh nhân dễ bị hội chứng Chilaiditi

Ngoài ra, một số bệnh lý bẩm sinh và mắc phải cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh như:

  • Táo bón mạn tính làm đại tràng giãn, dài ra
  • Xơ gan gây teo gan hay cổ trướng làm tăng không gian giữa gan và cơ hoành
  • Sa gan, teo thuỳ phải gan
  • Giảm cân nhanh ở người béo phì
  • Liệt cơ hoành
  • Đa thai, ….
  1. Triệu chứng lâm sàng

Ở những bệnh nhân mắc hội chứng Chilaiditi, các triệu chứng phổ biến nhất thường gặp ở đường tiêu hoá (đau bụng, buồn nôn, nôn, táo bón), tiếp theo là khó thở và suy hô hấp, một số ít gặp đau ngực, rối loạn nhịp tim. Các triệu chứng có thể diễn biến từ nhẹ đến nặng, đôi khi gây tình trạng nghiêm trọng

  1. Triệu chứng cận lâm sàng
  • Tổn thương trên Xquang ngực và Xquang bụng: hình ảnh khí giữa gan và cơ hoành, khí trong các bướu đại tràng hoặc nếp niêm mạc ruột non, đôi khi giống hình ảnh liềm hơi trong thủng tạng rỗng, hay mức dịch khí trong ổ áp xe
  • Tổn thương trên CT: chẩn đoán xác định các quai ruột nằm giữa gan và cơ hoành - dấu hiệu Chilaiditi, ngoài ra cắt lướp vi tính còn giúp phân biệt với các bệnh lý khác

Hình 2. Hình ảnh Xquang ngực của bệnh nhân, tình cờ phát hiện khí giữa gan và cơ hoành

Hình 3. Dấu hiệu Chilaiditi trên phim chụp cắt lớp vi tính của bệnh nhân

  1. Biến chứng và chẩn đoán phân biệt

Một số biến chứng có thể xảy ra: xoắn ruột, tắc ruột, hoại tử ruột

Trên Xquang, cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý:

  • Tràn khí phúc mạc
  • Áp xe dưới hoành, áp xe gan
  • Liềm hơi trong thủng tạng rỗng
  • Tổn thương sau phúc mạc
  1. Điều trị
  • Dấu hiệu Chialaiditi: không cần điều trị
  • Hội chứng Chilaiditi: không cần phẫu thuật, quản lý ban đầu cần điều trị triệu chứng kết hợp nghỉ ngơi, điều chỉnh chế độ ăn và theo dõi các biến chứng, chụp Xquang đánh giá lại. Phẫu thuật trong các trường hợp có biến chứng tắc rột, hoại tử ruột.

TRẦN VĂN GIANG

Khoa Chẩn đoán hình ảnh

Trung tâm Y tế thành phố Phú Quốc

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Anila Kumar; Dhruv Mehta. Chilaiditi Syndrome update April 10, 2023

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK554565/

  1. Omeed Moaven, MD and Richard A. Hodin, MD. Chilaiditi Syndrome, Gastroenterol Hepatol (N Y) 2012 Apr; 8(4): 276–278

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3380266/

  1. Chilaiditi syndrome revised by Mostafa El-Feky, Dec 24, 2021

https://radiopaedia.org/articles/chilaiditi-syndrome

EMC Đã kết nối EMC