Message create news:Invalid object passed in, ':' or '}' expected. (4040): {'id':'566','title':'KHÁM CHỮA BỆNH VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA CÁC BỆNH VIỆN KIÊN GIANG NĂM 2009','author':'','link':'http://syt.kiengiang.gov.vn/trang/TinTuc/256/566/KHAM-CHUA-BENH-VA-NGHIEN-CUU-KHOA-HOC-CUA-CAC-BENH-VIEN-KIEN-GIANG-NAM-2009.html','pubDate':'2018-04-16 07:50:00','categoryId':'256','category':'Về Nghiên cứu khoa học và ứng dụng thành quả nghiên cứu','image':'','description':'Năm 2009, ngành Y tế Kiên Giang đã phải đối mặt với những khó khăn, thử thách lớn, đó là tình hình dịch bệnh phát triển phức tạp, tỷ lệ mắc sốt xuất huyết gia tăng với chủng gây sốc và tổn thương nặng trên đa cơ quan; dịch cúm A (H1N1) là loại dịch mới du nhập vào Việt Nam… nhiều bệnh viện trong tỉnh sửa chữa, xây mới, thay đổi nhân sự, cùng với sự suy thoái kinh tế toàn cầu cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức, chăm sóc sức khỏe người dân.','detail':'

Tuy vậy, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh, Sở Y tế Kiên Giang, nỗ lực của cán bộ y tế thuộc các tuyến trong tỉnh, sự hỗ trợ của các bộ phận liên quan, ngành Y tế Kiên Giang nói chung đã có nhiều kết quả khả quan. Trong khuôn khổ bài viết này, chỉ tập trung vào khối bệnh viện, điểm qua vài nét chính trong công tác khám chữa bệnh (KCB) và nghiên cứu khoa học (NCKH). 
Trước hết, đó là những kết quả đáng khích lệ mà các bệnh viện đa khoa (BVĐK) đã đạt được trong năm 2009. Qua chấm điểm kiểm tra và xét theo thang điểm của Bộ Y tế, có 05/14 bệnh viện đạt xuất sắc toàn diện (BVĐK tỉnh, BVĐK Giồng Riềng, BVĐK Vĩnh Thuận, BVĐK Tân Hiệp và BVYH Cổ Truyền), 05/14 bệnh viện đạt xuất sắc (BVĐK Hòn Đất, BVĐK Châu Thành, BVĐK Phú Quốc, BVĐK Hà Tiên và BVĐK Gò Quao) và 04 bệnh viện còn lại đạt loại khá; (không có bệnh viện trung bình, yếu kém). 
Tất cả các chỉ tiêu KCB đều đạt và vượt mức so với năm 2008. Cụ thể, tổng số lượt khám bệnh: 3.720.190 lượt; tổng số lượt điều trị nội trú: 195.719 lượt; tỷ lệ khỏi và giảm bệnh: 92%; điều trị ngoại trú: 231.118 lượt; tổng số lượt khám cho người có thẻ bảo hiểm y tế: 779.132 lượt; tổng số lượt khám cho trẻ < 6 tuổi: 260.588 lượt. Công suất sử dụng giường bệnh vượt xa so với kế hoạch. Các bệnh viện đạt loại xuất sắc toàn diện và xuất sắc có công suất sử dụng giường bệnh trên 100%; đặc biệt, BVĐK Giồng Riềng có công suất sử dụng giường bệnh là 203% và lại là bệnh viện có số điểm kiểm tra cao nhất (98/100). Điều này chứng tỏ rằng, chất lượng của các bệnh viện đã đáp ứng được ngày càng cao nhu cầu của người dân, bệnh nhân ngày càng tin tưởng, chọn bệnh viện làm nơi chăm sóc sức khỏe khi mắc bệnh. 
Năm 2009 cũng là năm đánh dấu sự trưởng thành của ngành phẫu thuật ở Kiên Giang. Các ca phẫu thuật ở BVĐK tỉnh và BVĐK Giồng Riềng, BVĐK Vĩnh Thuận đã gia tăng lên nhiều so với năm 2008. Các thủ thuật ngoại khoa cũng đã tăng lên rất nhiều ở tất cả các bệnh viện khác. Trong đó, BVĐK tỉnh đã triển khai được nhiều loại phẫu thuật nội soi, đặc biệt là phẫu thuật mổ tim hở đã được thực hiện rất tốt nhờ có sự hỗ trợ của khoa Phẫu thuật Lồng ngực - Tim mạch của Bệnh viện Chợ Rẫy theo đề án 1816, với trên 60 ca mổ tim hở đã được thực hiện thành công. Hiện nay, các bác sĩ khoa ngoại lồng ngực BVĐK tỉnh đã có thể tự đứng ra mổ tim hở cho những ca không quá phức tạp; nhiều kỹ thuật, thủ thuật mới khác cũng được triển khai thực hiện thành công.
Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và sơ sinh tại các bệnh viện cũng có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ đỡ sanh ở các bệnh viện cũng gia tăng, tỷ lệ mổ lấy thai không tăng, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh giảm so năm 2008, chứng tỏ sản phụ đã chọn bệnh viện làm nơi sanh an toàn và bệnh viện cũng đã đáp ứng được nhu cầu đó của người dân. Đơn nguyên sơ sinh của khoa Nhi BVĐK tỉnh đã được thành lập và hoạt động rất bài bản, hiệu quả. Với cơ sở 40 giường, 05 bác sĩ, 15 điều dưỡng, 06 bảo mẫu, 03 hộ lý đã chăm sóc tốt cho trên 2.000 trẻ sơ sinh trong năm 2009. Đơn nguyên sơ sinh này cũng được sự liên kết chặt chẽ, sự giúp đỡ về chuyên môn, thiết bị từ tổ chức L' Appel (Pháp), Project Việt Nam (Mỹ)… Nhiều chuyên gia Nhi ở Pháp, Mỹ đã đến đây trực tiếp làm việc, giảng dạy ngắn hạn; một số sinh viên y khoa năm cuối của các tổ chức trên đã đến thực tập ngắn hạn ở đây. Cùng với bộ môn Nhi trường Đại học Y khoa TP.HCM và Hiệp hội Nhi khoa Mỹ, Đơn nguyên sơ sinh Kiên Giang đã tổ chức nhiều lớp đào tạo hồi sức sơ sinh cho các bác sĩ của các tỉnh bạn (An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau) và nhiều bác sĩ Sản khoa, Nhi khoa, Điều dưỡng, Nữ hộ sinh trong toàn tỉnh. Trong năm qua cũng không ghi nhận những tai biến gì nghiêm trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sơ sinh ở các bệnh viện. 
Bên cạnh đó, khối cận lâm sàng cũng phát triển mạnh ở tất cả các bệnh viện thuộc các tuyến. Tỷ lệ xét nghiệm sinh hóa, huyết học tăng mạnh ở cả nhóm bệnh nhân nội trú và ngoại trú. Các xét nghiệm vi sinh chỉ được triển khai và tăng mạnh ở bệnh viện tuyến tỉnh và bệnh viện Giồng Riềng, Vĩnh Thuận. Các bệnh viện viện hạng III chưa triển khai được xét nghiệm vi sinh vì thiếu nhân sự. Số bệnh nhân được làm Giải phẫu bệnh tăng. Khoa Ung bướu BVĐK tỉnh phát triển mạnh, được làm điểm chỉ đạo trong Chương trình phòng chống Ung thư Quốc gia, được sự hỗ trợ của Bệnh viện K Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh nên đã góp phần đưa khoa Giải phẫu bệnh phát triển song hành. 
Trong năm 2009, BVĐK tỉnh lắp đặt và đưa vào hoạt động tốt một máy CT scanner 64 lát cắt, là một phương tiện chẩn đoán hình ảnh học hiện đại, không xâm lấn, nhanh chóng, góp phần lớn chẩn đoán nhiều bệnh tim, mạch vành, não, ung thư… hình ảnh 3D được tạo dựng giống như thật, đặc biệt tính năng nội soi ảo là một tính năng tuyệt vời để phát hiện các khối u, polyp, loét đại tràng, phế quản… mà không cần phải đưa ống nội soi vào cơ thể bệnh nhân như trước đây. 03 máy CT scanner 08 lát cắt khác cũng đã được lắp đặt và hoạt động thuận lợi ở ba bệnh viện huyện Vĩnh Thuận, Giồng Riềng, Phú Quốc, đã góp phần lớn trong công tác chẩn đoán của các bệnh viện tuyến huyện. Nhiều phương tiện chẩn đoán cận lâm sàng hiện đại khác đã được triển khai hiệu quả tại BVĐK tỉnh. Qua kiểm tra chưa thấy có dấu hiệu lạm dụng kỹ thuật cao ở các nơi này. 
Công tác NCKH cũng có nhiều khởi sắc ở các bệnh viện trong năm qua. Hội đồng NCKH-Công nghệ Ngành đã tổ chức ba lớp tập huấn phương pháp NCKH tại Sở Y tế và BVĐK tỉnh, mỗi lớp có khoảng 100 Bs, Ds, ĐD, NHS trong toàn tỉnh tham gia. Sau các lớp này, phong trào NCKH ở các bệnh viện đã chuyển biến khá rõ. Số lượng các đề cương, đề tài NCKH đăng ký ở cấp đơn vị đã tăng lên nhiều, đặc biệt số ĐD và NHS tham gia NCKH tăng lên đáng kể, tập trung vào các đề tài liên quan đến sức khỏe tâm lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện, quản lý y tế… sử dụng các nghiên cứu định tính, chưa có trong tiền lệ của ngành Y tế Kiên Giang và rất ít ở Việt Nam. Trong đợt nghiệm thu dự án, đề cương, đề tài NCKH ngày 29/01/2010 vừa qua, HĐKH-CN ngành Y tế Kiên Giang đã nghiệm thu được 12 đề cương, 04 dự án, 05 đề tài cấp ngành, trong đó, có 03 đề cương, 01 đề tài của điều dưỡng, NHS. Đã có 20 đề tài NCKH của các bác sĩ vừa tốt nghiệp chuyên khoa cấp II tham gia báo cáo. 
Bên cạnh những thành tích trên, công tác KCB và NCKH của ngành Y tế Kiên Giang vẫn còn những tồn tại, những nỗi lo cần phải được tiếp tục thảo luận, cân nhắc, tìm ra giải pháp thích hợp để điều chỉnh trong thời gian sắp tới nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu KCB ngày càng cao của người dân. 
Những con số vượt kế hoạch so với chỉ tiêu trong công tác KCB là điều đáng mừng nhưng đồng thời cho thấy áp lực cho ngành Y tế cũng tăng lên. Tình trạng quá tải đang diễn ra ở tất cả các bệnh viện trong tỉnh. Mặc dù, các bệnh viện đã cố gắng triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm quá tải nhưng thực tế vẫn chưa giải quyết được. Hiện tượng nằm giường đôi, kê thêm ghế bố, tận dụng các khoảng trống của khoa phòng để kê thêm giường đang là một thực trạng ở các bệnh viện. Hiện tượng quá tải dẫn đến nhiều hệ quả xấu, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân và nguy cơ dẫn đến những sai lầm y khoa, gây mất an toàn cho người bệnh. Giải quyết quá tải bệnh viện là một chuyện dài, để giải quyết căn nguyên cần có nhiều giải pháp phối hợp cần được nghiên cứu, bàn luận ở một dịp khác, trong đó, tăng cường công tác Chăm sóc sức khỏe ban đầu ở tuyến cơ sở là giải pháp có lẽ hữu hiệu và bền vững nhất để giảm tải bệnh viện.
Trước mắt, trong năm 2010, để nâng cao hiệu quả hoạt động, các bệnh viện cần tập trung giải quyết một số điểm sau: 
Đối với các khoa khám bệnh của các bệnh viện, cần chú ý bố trí thêm phòng khám, linh hoạt bố trí thêm nhân lực, điều chỉnh lại cách ghi chép, cho thuốc… để giảm quá tải, giảm chờ đợi cho bệnh nhân. Cần rà soát lại các phác đồ, tiêu chuẩn chẩn đoán, xây dựng lại các tiêu chuẩn nhập viện, điều trị ngoại trú, tăng cường công tác kiểm tra của lãnh đạo bệnh viện, của lãnh đạo khoa khám bệnh nhằm giảm sự lạm dụng thuốc ngoại, kháng sinh, thuốc đắt tiền, giảm quá tải nội trú, đồng thời giảm sai sót chuyên môn.
Đối với các khoa phòng, cần rà soát lại các quy chế chuyên môn, chú ý công tác hồ sơ bệnh án, cần phải được nhắc nhở, kiểm tra, điều chỉnh và có biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hồ sơ bệnh án. Nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh cách ghi chép hồ sơ sao cho tinh gọn, đầy đủ, giảm thời gian làm việc giấy tờ, tăng thời gian của cán bộ y tế tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân. Xây dựng, thống nhất các quy trình chẩn đoán, các phác đồ điều trị, cập nhật thường xuyên, ít nhất là mỗi năm một lần, tập cho cán bộ y tế suy nghĩ, nói và làm theo y học chứng cớ, giảm dần lối kinh nghiệm thuần túy. Xem y học chứng cớ là văn hóa, là một tiêu chuẩn đạo đức của cán bộ y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, bởi vì chỉ có cách này là cách đem lại an toàn và hiệu quả cao nhất cho bệnh nhân và cũng nâng chất của cán bộ y tế.
Cần chú ý công tác giữ vệ sinh khoa phòng, ngoại cảnh ở tất cả các bệnh viện, duy trì môi trường sạch, đẹp, an toàn, không nên chỉ tập trung đối phó trong những đợt kiểm tra; Nhân viên y tế nên gương mẫu giữ vệ sinh môi trường, kể cả việc không hút thuốc lá trong bệnh viện; cần chú ý công tác xử lý rác thải y tế đúng qui định. 
Thêm vào đó, cần rà soát lại việc chỉ định cận lâm sàng và sử dụng kết quả cận lâm sàng một cách khoa học, hiệu quả. Trên thực tế, có hiện tượng không cho chỉ định cận lâm sàng cần thiết hoặc cho chỉ định cận lâm sàng tràn lan, cho chỉ định nhưng không chú ý kết quả đã dẫn đến lãng phí cho ngân sách cũng như tiền của bệnh nhân. Các hóa chất xét nghiệm cũng cần phải được xét duyệt, kiểm tra thường xuyên, tránh hiện tượng sử dụng hóa chất hết hạn, kém chất lượng. 
Các Hội đồng thuốc của bệnh viện cần chấn chỉnh lại hoạt động cho có hiệu quả hơn. Chú ý xây dựng danh mục dựa vào phác đồ, chứng cớ, ưu tiên cho thuốc nội, chỉ nên sử dụng thuốc ngoại khi thật cần thiết. Bố trí, chuẩn bị thuốc cần kịp thời hơn, tránh trường hợp thiếu thuốc, phải thay đổi nhiều ảnh hưởng đến chất lượng điều trị và lòng tin của người bệnh. Chú ý công tác báo cáo phản ứng phụ của thuốc. 
Một trong các điểm bị trừ nhiều nhất ở các bệnh viện đó là chỉ số nhân lực. Tại tuyến huyện, tỷ lệ bác sĩ có trình độ sau đại học còn thấp, tỷ lệ dược sĩ có trình độ đại học trở lên cũng thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu. Vẫn còn một số bệnh viện tuyến huyện sử dụng y sĩ làm công tác khám và điều trị cho bệnh nhân; tỷ lệ nhân viên y tế có trình độ ngoại ngữ thỏa theo yêu cầu của bảng điểm Bộ Y tế quy định thấp. Điều đó chứng tỏ cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa trong công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế cho Kiên Giang bằng nhiều hình thức mới có thể đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân. Cần khuyến khích, hỗ trợ nhân viên y tế học tập, trau dồi chuyên môn, ngoại ngữ, vi tính, sử dụng internet, email… tăng cường trao đổi chuyên môn qua mạng, tạo mối liên kết, hỗ trợ nhau giữa các bệnh viện trong tỉnh và với các trường đại học, nâng dần chất lượng cán bộ y tế, xóa dần khoảng cách với các đồng nghiệp ở các trung tâm lớn. 
Đối với NCKH, các cấp lãnh đạo cần chú ý dành nhiều kinh phí hơn cho công tác này. Ngành Y tế là một ngành khoa học, đặc biệt là ngành khoa học về con người, do đó, cần phải có nhiều nghiên cứu chuyên biệt và xứng tầm. NCKH sẽ giúp cán bộ y tế nâng tầm kiến thức cao và sâu sắc hơn, nâng dần chất lượng chăm sóc sức khỏe bệnh nhân lên. Không NCKH, cán bộ y tế sẽ bị dậm chân tại chỗ trong mớ kiến thức ngày càng lỗi thời và hao hụt của mình. Ngay cả trong các quy định về y đức cũng đưa việc NCKH vào trong tiêu chí phấn đấu cho từng cá nhân. Trên thực tế, công tác NCKH đã có chiều hướng phát triển, tuy nhiên, kinh phí bố trí cho NCKH chưa thực sự kịp thời, hiệu quả, chưa thúc đẩy được nhiệm vụ quan trọng này.
Tóm lại, công tác KCB và NCKH là hai nhiệm vụ chính, quan trọng ở các bệnh viện. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, cán bộ ngành y tế đã nỗ lực rất nhiều để đảm bảo phục vụ tốt cho người bệnh, góp phần lớn cho công cuộc phát triển chung của tỉnh Kiên Giang, của đất nước. Điều hạnh phúc nhất của người thầy thuốc là được bệnh nhân tin yêu, tín nhiệm, gửi gắm cả sinh mạng của họ; được giúp cho con bệnh qua cơn hiểm nghèo, trở về với gia đình và xã hội với một sức khỏe tốt, vui vẻ và hài lòng. Những tồn tại, quá tải của các khoa phòng, các bệnh viện cần phải được nghiên cứu, thảo luận và nhanh chóng có giải pháp khắc phục, trước hết từ nhận thức của cán bộ y tế, sau đó đến các cấp lãnh đạo trong, ngoài ngành Y tế, cuối cùng là những hành động cụ thể, thích hợp và hữu hiệu. Bởi vì, công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân không chỉ dành riêng cho bệnh viện mà phải là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của từng người dân.

                                                                                                                                                             Ths.BS Nguyễn Minh Mẫn
                                                                                                                                                            Phòng Nghiệp Vụ Y Sở Y tế

','attack':''} Cổng thông tin điện tử Sở y tế tỉnh Kiên Giang

Skip Navigation LinksChiTiet

EMC Đã kết nối EMC