Skip Navigation LinksChiTiet

Công tác đấu thầu mua sắm

Xem với cỡ chữAA

Ngành Y tế: PHẤN ĐẤU HẠN CHẾĐẾN MỨC THẤP NHẤT TÌNH TRẠNG THIẾU THUỐC TRONG THỜI GIAN TỚI!

(10/01/2024 4:42:00 CH)

Sáng nay, 10/01/2024, Sở Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên thuộc thẩm quyền của Sở Y tế năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Tham dự có đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư; đại diện Ban Giám đốc Sở Y tế, các phòng chuyên môn thuộc Sở cùng các đơn vị trực thuộc. BS CKII Nguyễn Trúc Giang, Phó giám đốc Phụ trách Sở Y tế chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo kết quả tổ chức đấu thầu, mua sắm thuốc tại các cơ sở y tế năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024; đánh giá thực trạng công tác đảm bảo cung ứng vật tư y tế (VTYT), hóa chất, tài sản, hàng hóa, dịch vụ,... tại các cơ sở y tế hiện nay; những thuận lợi, khó khăn vướng mắc và nguyên nhân trong công tác đấu thầu mua sắm thuốc, VTYT, hóa chất, mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ.

BS CKII Nguyễn Trúc Giang, Phó giám đốc Phụ trách Sở Y tế phát biểu khai mạc hội nghị.

Trong năm 2023, Sở Y tế đã có nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài trong việc tổ chức thực hiện nên cơ bản đã không xảy ra tình trạng thiếu thuốc, VTYT, hóa chất,... nghiêm trọng (các gói thầu tập trung vẫn cơ bản đáp ứng được nhu cầu), chỉ thiếu cục bộ (chủ yếu xảy ra ở các bệnh viện tuyến tỉnh và ở một số chủng loại) và đây là tình hình khó khăn chung của cả nước. Sở Y tế đã triển khai các văn bản chỉ đạo, thông báo kết luận của Tỉnh y và UBND tỉnh về thực hiện các giải pháp đảm bảo cung ứng thuốc, VTYT, hóa chất, phục vụ công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; ban hành nhiều văn bản hướng dẫn và đôn đốc về công tác đấu thầu, mua sắm; tổ chức các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ đấu thầu, mua sắm.

ThS DS. Đỗ Thiện Tùng, Phó giám đốc Sở Y tế triển khai một số đề xuất của Sở Y tế tại hội nghị.

Theo ThS.DS Đỗ Thiện Tùng, Phó giám đốc Sở Y tế: Mua sắm thuốc, VTYT,... là một trong các hoạt động thường xuyên của ngành Y tế. Cùng với sự n lực của ngành Y tế, sự phối hợp giúp đỡ của các ban ngành cóliên quan, sự ủng hộ tạo điều kiện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành Y tếphấn đấu hạn chếđến mức thấp nhất tình trạng thiếu thuốc trong thời gian tới! Trên cơ sở yêu cầu công tác mua sắm phải cung ứng kịp thời, đảm bảo đủ về số lượng, chủng loại, đạt yêu cầu về chất lượng (an toàn, hiệu quả) với giá cả hợp lý (kinh tế), phù hợp khả năng tài chính, đáp ứng nhu cầu hoạt động khám chữa bệnh của cơ sở y tế, đồng thời việc tổ chức mua sắm phải tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành, Sở Y tế đề xuất một số giải pháp sau đây:

- Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, quán triệt trong toàn ngành y tế quan điểm đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, kiên quyết không để thiếu thuốc, VTYT, hóa chất,… phục vụ cho công tác khám bệnh, chữa bệnh;

- Xây dựng, ban hành quy chế phối hợp theo các bước của quy trình mua sắm thuốc, vật tư y tế làm cơ sở tổ chức thực hiện đảm bảo tiến độ và theo quy định của pháp luật (theo chỉ đạo của UBND tỉnh);

- Kiện toàn các bộ phận tham gia công tác đấu thầu, mua sắm; nâng cao năng lực đấu thầu của đơn vị; tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến đấu thầu, mua sắm; nâng cao vai trò và trách nhiệm của đơn vị sử dụng và các hội đồng có liên quan (Hội đồng Khoa học, Hội đồng Thuốc và điều trị,…);

- Việc tổ chức đấu thầu mua sắm tuân thủ các bước quy trình theo quy định; tiếp tục thực hiện mua thuốc theo các kết quả lựa chọn thầu mua thuốc tập trung của địa phương còn hiệu lực để đảm bảo hiệu quả của các gói thầu; thực hiện tiếp các quy trình tiếp theo sau khi đã có kết quả lựa chọn nhà thầu vào ngày 15/12/2023 đối với các gói thầu đợt 1 (đã được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua thuốc tập trung tỉnh, giai đoạn 2023 - 2025 theo Quyết định số 2189/QĐ-UBND ngày 31/8/2023); chỉ đạo các bộ phận tham mưu khẩn trương tổ chức lựa chọn nhà thầu mua thuốc tập trung cấp địa phương giai đoạn 2023 – 2025 (đợt 2, đợt 3) sau khi UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu;

- Các tổ chức thực hiện cần nắm rõ mục đích đấu thầu mua sắm, hiểu rõ phân cấp hiện nay để chủ động hơn nữa trong mua sắm không chờ kết quả đấu thầu tập trung Trung ương/ địa phương (trong khi SY tế thực hiện nhanh chóng gói thầu tập trung), phải có kế hoạch đấu thầu mua sắm bằng hình thức phù hợp (ưu tiên đấu thầu tập trung và rộng rãi qua mạng) ít nhất trước 6 tháng trước khi hết hàng hoặc hết thời hạn hợp đồng cung ứng;

- Cần nghiên cứu dự báo tình hình cung ứng và sử dụng thuốc, VTYT,… trên thị trường và tại đơn vị mình qua theo dõi, đánh giá tình hình cung ứng, sử dụng hàng năm cũng như dự báo tình hình kinh tế, xã hội,… tác động để từ đó chủ động dự trù mua sắm tồn trữ khi cần thiết; xây dựng nhu cầu mua sắm phải sát với nhu cầu thực tế sử dụng và đơn vị cần phải có kế hoạch sử dụng sau khi có kết quả trúng thầu tránh trường hợp tập trung sử dụng một vài loại thuốc, VTYT,… dẫn đến hết trước thời hạn hết hợp đồng trong khi nhóm thuốc, VTYT,... khác còn thừa;

- Thực hiện tốt các điều kiện trong hợp đồng với nhà thầu đối với các gói thầu đang triển khai thực hiện bên cạnh đó cần báo cáo về cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định: các nhà thầu cố tình không tuân thủ hợp đồng, giao hàng không đúng chất lượng như cam kết ban đầu,…; cần thực hiện tốt đề xuất công tác điều tiết thuốc ở gói thầu mua sắm tập trung cấp trung ương và cấp địa phương nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu phát sinh, theo dõi sát tình hình sử dụng thuốc tại các cơ sở y tế để chủ động điều tiết thuốc giữa các cơ sở;

- Cần tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu mỗi cơ sở y tế được phép sử dụng và thanh toán BHYT theo danh mục khác nhau, tùy theo phân tuyến kỹ thuật, hạng bệnh viện, mô hình bệnh tật tại địa phương; căn cứ hướng dẫn cơ quan có thẩm quyền xây dựng và công khai danh mục thuốc, VTYT,… sử dụng thường xuyên, đảm bảo cung ứng tại đơn vị mình và không được để cho thiếu, đặc biệt lưu ý đến các thuốc, VTYT, hóa chất,… cần phục vụ cho công tác cấp cứu, phu thuật,…, nếu thiếu thuốc, VTYT trong danh mục này thì cơ sở khám chữa bệnh phải chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Y tế, trong trường hợp ngoài danh mục thì hướng dẫn bệnh nhân đi khám bệnh tuyến trên hoặc tự chi trả và định kỳ cơ sở khám chữa bệnh phải điều chỉnh danh mục cho phù hợp nhu cầu sử dụng tại đơn vị.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời tổng hợp, báo cáo về các khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, VTYT,... đồng thời đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp tháo gỡ trong quá trình thực hiện./.

Thực hiện: Tú Quân - Trung Hiệp
EMC Đã kết nối EMC